BÊN TRONG LỊCH SỬ

Bên Trong Lịch Sử

 



Người viết sử thường biết chờ đợi cho những sôi động lắng xuống, một phần để có thể quan sát sự việc khách quan, một phần để thời gian mang lại những chi tiết chưa được tỏ lộ ngay từ đầu. Cái sau quan trọng vì chúng thêm ý nghĩa và ánh sáng, cho phép người sau hiểu nguyên do cùng trường hợp nào đã khiến các nhân vật lịch sử hành động như họ đã làm. Lịch sử của Hội cũng vậy, có nhiều sự việc xảy ra mà chỉ nhiều năm sau các dữ kiện mới được phối hợp đầy đủ và khi ấy người ta mới thẩm định được giá trị thật của chúng.

Thiên Chúa Giáo Tự Do (Liberal Catholic Church: LCC) do giám mục Leadbeater và một số người thành lập vào đầu thế kỷ, về nhiều mặt tương tự như Thiên Chúa Giáo La Mã (Roman Catholic: RC), duy chỉ có tín điều là khác. Không như RC, LCC nhìn nhận các tôn giáo bạn và chủ trương rằng tín đồ phải tự cứu lấy mình, không một Đấng Cứu Thế nào chết thay cho tội lỗi tín đồ. LCC cũng giảng dạy luật Nhân quả, Luân hồi. Trước đó nhiều năm, bà Blavatsky viết bài nêu những sai lầm của RC, chỉ trích rất xác đáng nên dư luận ngạc nhiên khi LCC thành hình vì về mặt nghi lễ, LCC rất giống RC. Gregory Tillett trong quyển  “The Elder Brother" xuất bản năm 1984 đặt câu hỏi tại sao ông Leadbeater lập một tổ chức theo đường lối mà bà Blavatsky đã phê bình không thuận lợi, Christmas Humphreys, một hội viên rất có công trong việc truyền bá Phật giáo tại Anh, cũng có nhận xét khe khắt về LCC trong quyển “Both Sides of a circle" ra năm 1978. 

Điều đáng nói là câu trả lời đã có vào năm 1933 mà dường như hai tác giả trên không biết. David Anrias trong quyển “Adepts of the Five Elements" giải thích rằng trường Bí giáo (Esoteric School: ES) thành lập vào cuối thế kỷ trước, là kết quả của sự tuôn tràn nhiều năng lực tinh thần khi một tiểu chu kỳ chấm dứt. Minh Triết Đông phương được dạy cho người Tây phương trong tổ chức này, theo phương pháp từng áp dụng tại Ấn, học viên bí giáo được huấn luyện chặt chẽ với quy luật nghiêm nhặt phải theo sát. Vào thế kỷ sau, một số năng lực khác được xuất hiện có mức rung động cao, gây ảnh hưởng sâu đậm trên người nhạy cảm. Thể phách của họ đáp ứng mạnh với sự rung động ở cõi thanh, trong khi xác thân họ làm việc ở cõi trần, nơi có mức rung động nhiều lần thấp hơn. Lẽ tự nhiên, họ bị dằng co giữa hai ảnh hưởng, chịu áp lực nặng nề do sự lôi kéo ấy. Ở thời đại xưa khi một người có thể lui vào rừng núi xa làm ẩn sĩ, tham thiền nghiền ngẫm tiếng nói vô thinh, hay sống lặng lẽ trong tu viện kín với cùng mục đích, họ không hề bị dằng co như vậy; thế nhưng vào thời đại chuyển tiếp giữa hai loại năng lực cũ và mới như ta đang sống đây, phương pháp ẩn thân này không thích hợp nữa. Thêm vào đó còn một yếu tố khác. Sau khi bà Blavatsky qua đời, bà Besant duy trì kỷ luật theo lối Ấn, bà tuân theo chúng không chút khó khăn dù phải tiếp xúc hằng ngày với đủ mọi người. Sự việc có được một phần vì bà có ý chí mạnh, phần khác vì ngay kiếp trước bà là người Ấn nên kiếp này dễ dàng chấp nhận phương pháp đã quen.

Như thế bà là một ngoại lệ, đối với các học viên Tây phương bình thường, Chân Sư nhận thấy sự việc không dễ dàng; người Tây phương trung bình không thể uốn mình theo các tiêu chuẩn lâu đời của Đông phương, trong điều kiện sống hiện tại. Mặt khác, quyển The Secret Doctrines có mục đích dùng để học trong nhóm, mà thể trí của người Tây phương bình thường không hội đủ điều kiện để làm công việc trên. Bởi vậy vào năm 1912, vấn đề được thấy là việc một linh hồn có ý chí mạnh, đủ sức uốn nắn điều kiện xung quanh cho hợp với mình làm được (bà Besant), thì lại rất khó cho học viên Tây phương còn vướng bận nhân quả hay có thể xác yếu hơn.

Do đó trong năm ấy, các Chân Sư thực hiện việc chuyển di, một loại năng lực từ trước đến giờ chỉ có ở cõi thượng trí, xuống cõi hạ trí rồi trung giới; phương tiện sử dụng cho việc này là nghi lễ cử hành trong nhóm. Điều cần nói ngay là sự chuyển di này, cũng như nhiều sự việc về sau, là một thí nghiệm nhằm mục đích duy nhất là thúc đẩy và trợ giúp sự tiến hoá nói chung và con người nói riêng. Đối với chúng ta, Chân Sư là người toàn thông nhưng nơi cõi riêng của các ngài còn nhiều điều các ngài chưa tường tận, nhiều yếu tố ảnh hưởng công việc của ngài mà ngài không thể đoán trước. Thế nên, một sự việc do Chân Sư khởi xướng có thể thành công nhiều (thí dụ Hội), hay có ảnh hưởng khiêm nhường ngoài mặt như LCC và Agni Yoga, hay thất bại hẳn. Trong cả ba trường hợp vị Chân Sư phải nhận lãnh phần nhân quả do sự việc tạo ra. Trở lại chuyện thành lập LCC, ngoài hai Chân Sư đỡ đầu Hội, còn có một Chân Sư khác thuộc cung nghi lễ hợp tác với các ngài. Cũng do đặc tính của Vị này tổ chức Co-Mason thành hình và có liên hệ ít nhiều tới Hội. Ngài rất quen thuộc với cách làm việc của Tây phương trong huyền bí học, đã góp phần huấn luyện từ nhiều thế kỷ và mang thân xác thích hợp cho công việc này.

LCC cho kết quả không đúng ý nguyện vì người gia nhập chưa hoàn toàn vượt khỏi chuyện cá nhân, bầu từ lực lần lần bị nhuộm màu sắc xưng tụng người này, người kia và LCC không mang lại nhiều ích lợi như người thành lập đã kỳ vọng. Những lý lẽ trên về việc thành lập LCC và Co-Mason không hề được giải thích, nên nhiều hội viên khi thấy phương pháp huấn luyện có từ thời bà Blavatsky không được sử dụng nữa, cho rằng MTTL chân chính đã bị biến thể và một số ra khỏi Hội. Những ai gia nhập Hội vào lúc huyền bí học nguyên thủy và đơn sơ được giảng dạy, và sau này rời Hội, phần lớn vì nhân quả của họ không thuộc vào loại được trang trải nhờ nghi lễ.

Bây giờ ta nói đến một điều khác cũng thuộc lịch sử Hội là nhân quả nhóm (group karma). Một nhóm người khi tụ hợp làm chung một việc, theo đuổi cùng mục đích sẽ tạo nên nhân quả nhóm và để trang trải, nó cũng phải được giải quyết bằng nhóm, nó sẽ ảnh hưởng mỗi người trong bọn tuy mỗi người phản ứng với nhân quả theo cách riêng của mình. Có trường hợp hoạt động của nhóm tạo hình tư tưởng bất lợi trên cả bọn, và cách duy nhất để phá hình ấy là …. khai tử nhóm, giải tán tổ chức. Lối giải quyết này được Krishnamurti áp dụng khi ông dẹp bỏ The Star of the East vào năm 1929, nhưng bên trong còn nhiều chi tiết xung quanh hành động này. Để hiểu rõ nó, ta cần nhớ lại trong thời gian ấy cũng như hiện giờ, hai năng lực mới và cũ đang kình chống nhau, dù năng lực cũ dần dần tan và năng lực mới ngày càng mạnh thêm, người cảm ứng với một năng lực sẽ khó thông cảm với ai hợp năng lực kia, cũng như đường lối sinh họat của hai bên sẽ đối chọi nhau. Trong thập niên 1920 và 1930 Hội bị phân chia bởi hai khuynh hướng trên: các hoạt động có từ thời bà Blavatsky bị chỉ trích và sự tin tưởng mù quáng vào Chân Sư bị phê bình. Biến cố 1929 đã giải quyết nhiều việc cùng một lúc, nó giúp thanh lọc hàng ngũ hội viên khi ai không tin tưởng sự hiện hữu của Chân Sư rời Hội, còn ai xác quyết về các ngài tiếp tục ở lại; nó cũng giúp hủy bỏ (hay là cho thấy cần hủy bỏ) một số phương pháp của thời đại cũ, như việc nhắm mắt tin tưởng tuyệt đối vào người lãnh đạo, dọn đường cho phương pháp của thời đại mới. Đây là sự thử thách cho toàn Hội, tuy sự thử thách đã có từ lúc còn bà Blavatsky với biến cố Coulomb nhưng vào năm 1929, bình diện lớn rộng hơn nhiều. Trong số bốn mươi lăm ngàn hội viên, hơn hai mươi ngàn rời Hội. Chân Sư K. H. nhận xét rằng :

“Động và phản động luôn bằng nhau và đối nhau, trong giai đoạn trước của Hội sự phát triển mặt ngoài lên cao độ, sách báo tràn ngập sự vâng lời hoàn toàn ai nắm chức vị cần được nối tiếp bằng giai đoạn nghi ngờ, đặt câu hỏi với người lãnh đạo. Sự co rút phải luôn luôn theo sau sự dãn nở trong cuộc đời cũng như trong huyền bí học. Cách giảng dạy của Krishnamurti phù hợp với luật chu kỳ, khi nó gây thu hẹp sau thời kỳ bành trướng vốn đã dùng năng lực tiên khởi ở thế kỷ rồi”. 

Không phải nhân quả của nhóm nào cũng đưa tới việc khai tử nhóm. Các tổ chức Mason, Rosicroix và chi nhánh tương tự cũng do một Chân Sư khởi xướng nhưng đã gặp thất bại hoặc loại này, loại kia; nguyên do vì người trong nhóm mong muốn hiểu biết và quyền lực cho riêng mình, trong khi nghi lễ của tổ chức chỉ nhằm mang lại sự giác ngộ. Linh hồn thuộc cung bảy, cung nghi lễ, sẽ có khuynh hướng gia nhập Mason hay tổ chức tương tự trong nhiều kiếp liền; một phần vì Chân nhân họ muốn thành công trong việc sử dụng nghi lễ cho mục đích chung thay vì cá nhân, và một phần bởi họ đã thất bại khi xưa, trong kiếp này họ cố gắng lần nữa. Khi trong nhóm có nhiều người chưa kiểm soát được ham muốn tình cảm hay làm chủ các năng lực do nghi lễ gợi nên, nhóm tạo một loại nhân quả mà chỉ có thể trang trải xuyên qua toàn nhóm. Bởi thế những linh hồn này sẽ tự động bị thu hút vào loại hoạt động trên, để giúp họ thực hiện trọn khuynh hướng xưa, hay chữa lại những sai sót cũ.

Hội viên ai cũng biết vài lý do thành lập Hội: để trình bày MTTL, để chuẩn bị giống dân mới, nhưng ngoài chúng còn vài lý do ít được viết ra. Những điều kiện thiên văn khi lập Hội tạo kết quả là một số năng lực có ảnh hưởng đối kháng cũng tuôn tràn qua nó, khi một người gia nhập Hội chúng sẽ tác động lên anh, và tuỳ theo bản chất của anh mà sự việc sẽ hóa lợi hay bất lợi cho anh. Đây không phải là điều dở, vì sự tăng trưởng tâm linh chỉ xảy ra khi chúng ta biết chuyển hóa cái xấu thành tốt. Không ai tiến xa trên đường huyền bí nếu mọi việc đều xuôi thuận, hạp ý mình. Hội là nơi tụ nhiều lực nghịch nhau, để nhờ vậy, mọi nhân quả riêng tư của hội viên có thể được trả hết, cho phép họ rảnh tay làm việc với các Chân Sư trong tương lai. Với tầm nhìn đó, những biến cố lớn trong Hội có liên hệ đến luân lý, nghi lễ và các điều khác sẽ phải được giải quyết trước khi Hội tiếp nhận năng lực của Tân kỷ nguyên.

Nói tóm tắt thì việc thiêu hủy những gì thấp kém trong con người là để phần thanh cao được xuất hiện, và sự chuyển biến này được thực hiện không phải không có đau khổ đi kèm. Sẽ có người bỏ cuộc nửa chừng nhưng ai trì chí phấn đấu, và trên hết tất cả, có can đảm đối diện với chính mình, có thể tin chắc là không lúc nào họ bị lãng quên và phải đơn độc tranh đấu. Ngoài mặt họ có vẻ bị lẻ loi bỏ rơi trong bóng tối nhưng mọi cố gắng, mọi bước đi của họ đều được ghi nhận và trông chừng dù rằng các ngài không can thiệp. Bởi các Chân Sư ý thức rằng chỉ nhờ kiên tâm chiến đấu mà con người mới đặt sự phát triển tinh thần, vốn là phần thưởng đích thực của mọi gắng công.